Khi hôn nhân trục trặc, chúng ta thường đổ lỗi cho bạn đời. Nhưng phải hai tay cùng vỗ mới tạo thành tiếng và vì vậy đừng quy hết lỗi cho một người.
Nếu hay làm các việc dưới đây, bạn chính là người đang phá hoại tổ ấm của mình, theo Bright Side:
Nghiện xem điện thoại
Nếu bạn dành hầu hết thời gian rảnh cho điện thoại thông minh, có thể bạn đã nghiện và điều đó có hại cho mối quan hệ. Đây là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Arizona (Mỹ). Hãy làm việc khác, chẳng hạn như đọc sách hay lên kế hoạch cho cuộc sống. Có thể sử dụng một số ứng dụng đặc biệt để kiểm soát thời gian lướt mạng.
Không ưu tiên bạn đời
Nếu lịch mỗi ngày của bạn quá kín và chẳng bao gồm hoạt động nào chung với bạn đời, hãy xem lại thứ tự ưu tiên.
Bạn cũng có thể dùng phương pháp 2/2/2 cho mối quan hệ: Hẹn hò với bạn đời một lần mỗi 2 tuần, đi đâu đó vào cuối tuần 2 tháng một lần và cứ hai năm lại đi nghỉ với nhau.
Không thể hiện sự ủng hộ
Nếu bạn đời làm điều gì đó cho mình, đừng coi là điều đương nhiên. Mỗi người đều cần được nghe những lời tử tế, vì vậy hãy cảm ơn vợ hay chồng mình vì những điều nho nhỏ và làm điều này thường xuyên.
Nói quá cứng nhắc
Những người yêu nhau trò chuyện với nhau cởi mở và chân thành. Hãy chia sẻ tình cảm và những chi tiết trong một ngày vừa trải qua, lắng nghe nhau nói. Sáng tạo những câu hỏi bớt nhàm chán. Thay vì nói “Một ngày của em thế nào” hãy thử nói “Chuyện gì thú vị nhất trong ngày vậy em?” hay “Có gì khiến em cười hôm nay vậy?”.
Nếu có điều gì đó vợ hay chồng khiến bạn phiền muộn, đừng nói kiểu “Sao anh dám nói thế”, mà hãy nói “Câu đó của anh làm em thấy buồn”.
Nổi giận vì những chuyện vặt
Đừng cố biến đổi bạn đời. Một số đặc điểm có vẻ kỳ lạ của họ chẳng phải là thứ bạn từng yêu sao? Tốt hơn là để họ tự thấy hậu quả từ các hành động của mình. Nếu chồng bạn quẳng bít tất lung tung, hãy bảo anh ấy rằng bạn chỉ giặt những thứ đã để sẵn trong giỏ đồ bẩn. Khi anh ấy không tìm thấy chiếc tất sạch nào, bạn không cần phải nói gì.
Không biết cách tranh cãi
Hãy tập trung cùng nhau giải quyết các vấn đề. Cố gắng thảo luận mọi việc trước khi nó bị đẩy tới đỉnh điểm mâu thuẫn. Khi có cuộc trò chuyện quan trọng, hãy chạm vào bạn đời để khiến họ cảm thấy thoải mái. Nhớ một nguyên tắc: Người này nói, người kia nghe.
Trong cuộc cãi vã, nếu quá nóng giận, hãy rời khỏi phòng, dù chỉ trong nửa phút. Khi bạn bình tĩnh lại, việc trò chuyện sẽ hiệu quả hơn.
Không có niềm tin
Nếu bạn muốn có một mối quan hệ gần gũi và ấm áp, hãy học cách tin rằng người mình yêu đang thành thật với bạn. Đừng liên tục hỏi họ đang ở đâu, với ai khi không bên bạn và đừng kiểm tra điện thoại, email của bạn đời. Sự nghi ngờ vô căn cứ có thể đẩy vợ hay chồng tới chỗ muốn làm những việc bạn nghi họ làm. Hãy tập trung vào những điều tích cực.