Theo quy luật vào những ngày đầu tháng 10 hằng năm thường xuất hiện các đợt mưa lũ. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu, đến nay Thừa Thiên – Huế vẫn đang nắng hạn và chưa xuất hiện đợt mưa lũ nào.
Theo thông tin của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thừa Thiên – Huế cho thấy từ tháng 8 đến tháng 10, dù là các tháng mùa mưa lũ nhưng lượng mưa tại địa phương là rất thấp. Trong đó, lượng mưa tại huyện Nam Đông chỉ đạt 25%, huyện A Lưới và khu vực đồng bằng chỉ đạt 45% so với lượng mưa trung bình nhiều năm.
Mực nước và dòng chảy các sông ở hạ lưu đều thấp hơn nhiều năm, còn các sông ở vùng núi chỉ đạt 30%-38%.
Trước thực trạng nắng hạn kéo dài đã dẫn đến việc nhiều hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn thiếu nước trầm trọng, mực nước tại các hồ thủy lợi, thủy điện đều thấp hơn so với cùng kỳ. Điều này không chỉ gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp mà còn khó khăn đối với các nhà máy thủy điện trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo ghi nhận của PV, tại nhà máy thủy điện Bình Điền chưa có năm nào mực nước xuống thấp như năm nay, hiện mực nước tại hồ gần bằng mực nước chết, thấp hơn so với năm 2017 là 14m, thấp kỷ lục so với nhiều năm nay.
Lượng mưa đo được đến thời điểm này chỉ đạt 30% so với lượng mưa trung bình nhiều năm, nước về hồ rất ít chỉ đạt 7m3/giây. Điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và vận hành của các nhà máy, không đảm bảo kế hoạch sản lượng điện bán ra.
Ông Nguyễn Quang Hải, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thủy điện Bình Điền cho biết, thời điểm này đang là chính giữa mùa mưa lũ, tuy nhiên mực nước tại hồ đang gần bằng mực nước chết. Vào mùa mưa lũ nhưng nước không có nên nhà máy chỉ phát điện cầm chừng, 1 ngày chỉ chạy vài tiếng để đảm bảo cho dòng chảy môi trường theo đúng quy định.
“Hiện tại, công ty mới đạt được 50% so với kế hoạch đặt ra nên gặp rất nhiều khó khăn. Nếu tình trạng này kéo dài thì mùa khô của năm 2019 sắp đến sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều đến công tác sản xuất nông nghiệp cũng như sản xuất kinh doanh ngành điện”, ông Hải chia sẻ.
Không chỉ riêng nhà máy thủy điện Bình Điền, nhà máy thủy điện Hương Điền cũng đang trong tình trạng trên, mực nước hiện tại đang ở mức 48m, trên mực nước chết 2m, dưới mực nước bình thường 10m, trong thời gian tới nếu không có lượng mưa bổ sung thì công tác vận hành, hoạt động của các nhà máy thủy điện gặp rất nhiều khó khăn.
Còn tại hồ thủy điện A Lưới, hiện tại mực nước lòng hồ trên mực nước chết khoảng 20cm và hơn 1 tháng nay trên địa bàn không có mưa nên không có lượng nước nào bổ sung về hồ. Theo tính toán, năm 2018 nhà máy thủy điện A Lưới sẽ thiếu khoảng 60-70% sản lượng, hiện chỉ đạt khoảng 30% sản lượng đề ra.
Trước tình trạng đó, vấn đề đặt ra là làm thế nào để đảm bảo cung cấp nước cho hạ du phục vụ sản xuất nông nghiệp, đồng thời đảm bảo kế hoạch sản xuất kinh doanh của các nhà máy thủy điện.
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, trước thực trạng trên, tỉnh đề nghị các đơn vị liên quan chỉ đạo yêu cầu các hồ chứa phải xả nước ở mức vừa phải để đảm bảo dòng chảy và tiết kiệm nước.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đề nghị các hồ đập, hồ chứa phải sẵn sàng ứng phó với tình trạng nắng hạn kéo dài. Nghiêm túc thực hiện đúng quy trình vận hành liên hồ chứa cũng như theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để có phương án ứng phó, tích nước hợp lí để vừa phát điện vừa phục vụ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo môi trường vùng hạ du.