Tưng bừng lễ hội đền Huyền Trân tri ân người có công với nước
Thamtuhue.Com – Ngày 16/2 (tức mùng 9 tháng Giêng năm Bính Thân) tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, phường An Tây, thành phố Huế, lễ hội đền Huyền Trân đã diễn ra, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, tăng ni phật tử, chức sắc tôn giáo và du khách gần xa về dự.
Quang cảnh lễ hội.
Lễ hội đền Huyền Trân được tổ chức hằng năm, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc nhằm tri ân các bậc tiền nhân đã có công với dân, với nước trong việc mở mang bờ cõi nước Việt.
Sau phần dâng hương và các nghi lễ truyền thống tại Điện Huyền Trân công chúa, đền thờ vua Trần Nhân Tông, lễ hội còn có nhiều hoạt động mang tính tâm linh như cầu nguyện “quốc thái dân an,” lễ hội hoa đăng; trưng bày, triển lãm và giới thiệu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ; tổ chức một số trò chơi dân gian, hoạt động truyền thống như cờ tướng, cờ người, võ thuật, thư pháp, biểu diễn nghệ thuật ca múa, vẽ chân dung, vẽ tranh…
Trung tâm Văn hóa Huyền Trân là quần thể kiến trúc gồm ngôi đền thờ Đức vua Trần Nhân Tông và ngôi đền thờ Huyền Trân công chúa nằm cách thành phố Huế 7 km về phía Tây, tại vùng núi Ngũ Phong thuộc phường An Tây trên khuôn viên rộng 28ha, có đồi núi thoai thoải, rừng thông xung quanh, bốn mặt là đồi núi trùng điệp.
Công trình bao gồm đền thờ và tượng đồng bà Huyền Trân công chúa, tháp chuông Hòa Bình, hệ thống đường đạo, công viên. Bên trong đền thờ Huyền Trân có pho tượng công chúa Huyền Trân ngồi trên ngai được đúc bằng đồng. Tượng cao 2,37m, do các nghệ nhân đúc đồng nổi tiếng của phường Đúc, thành phố Huế cẩn tác.
Phía sau là đền thờ đức vua Trần Nhân Tông – vị vua có công lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, có pho tượng nhà vua bằng đồng đỏ nguyên chất, cao 3m, nặng 2 tấn được đúc theo phiên bản lấy từ đền thờ các vua Trần tại Nam Định.
Đến với Trung tâm văn hóa Huyền Trân, du khách sau khi thắp hương cầu nguyện công chúa Huyền Trân và các bậc công thần khai quốc, có thể thả bước dưới những tán thông già, ngắm nhìn tượng ni sư Hương Tràng, cầu nguyện trước tượng Di Lặc và chinh phục 246 bậc cấp lên đỉnh núi Ngũ Phong đến với tháp chuông Hòa Bình.
Ở độ cao 108 mét có tháp chuông Hòa Bình với quả chuông đồng nguyên chất nặng 1,6 tấn, cao 2,16 mét, khắc 8 chữ “Thế giới-Hòa Bình-Nhân loại-Hạnh phúc” cùng hình ảnh tượng trưng của bốn chùa Giác Lâm (Thành phố Hồ Chí Minh), Thiên Mụ (Huế), Diên Hựu (Hà Nội) và chùa Trúc Lâm Yên Tử (Quảng Ninh)./.
Theo BVPL.